TP - Hợp tác về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao “chuẩn Nhật”, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế nông dân nông thôn cho khu vực Tây Nguyên đang là hướng đi mang tính đột phá tại Đại học Đông Á.
Hợp tác chiến lược về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực
Tháng 8/2021, ĐH Đông Á cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk ký kết văn bản hợp tác về phối hợp nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hợp tác tập trung vào các chương trình khoa học công nghệ, dự án, đề tài nghiên cứu trọng điểm của địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao (nông nghiệp xanh), Dược liệu, Công nghệ thực phẩm, Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), ứng dụng Blockchain.
Trụ sở ĐH Đông Á tại Đà Nẵng
Trước đó, ĐH Đông Á cũng hợp tác với Công ty sản xuất và thương mại Vương Thành Công, Công ty CP Ban Mê Green Farm xúc tiến thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương; định hướng nghề nghiệp và tiếp nhận sinh viên (SV) thực tập, ưu tiên tuyển dụng nhân sự là SV từ các ngành Công nghệ thực phẩm và Nông nghiệp Công nghệ cao ĐH Đông Á vào làm việc sau tốt nghiệp.
Được biết, tại tỉnh Đắk Lắk, hiện ĐH Đông Á cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng ngắn cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Lắk” với kinh phí nghiên cứu xấp xỉ 1 tỷ đồng.
NGUỒN NHÂN LỰC "CHUẨN NHẬT" PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TÂY NGUYÊN
Tháng 3/2021, ĐH Đông Á được JETRO - Tổ chức Xúc tiến Thương mại uy tín của Nhật Bản chọn phát biểu điển hình cùng một đối tác hợp tác của ĐH Đông Á tại Nhật là Tập đoàn Y tế Aijinkai - tập đoàn lớn tại Nhật, là cặp mô hình hợp tác điển hình hiệu quả, làm gia tăng độ tin cậy vào chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Để tạo dựng cho SV những cơ hội thành công như vậy, trong hơn 10 năm qua, ĐH Đông Á đã ký kết hợp tác toàn diện với 7 tỉnh, thành phố và trên 82 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản để phối hợp xây dựng chương trình đào tạo phù hợp đầu ra của thị trường Nhật Bản; đầu tư phòng thực hành chất lượng cao tiêu chuẩn Nhật, như xưởng công nghệ ô tô, khu thực hành bếp, skills lab điều dưỡng,... Các tập đoàn cử chuyên gia sang giảng dạy, hướng dẫn SV thực hành, thực tập theo đúng yêu cầu chuẩn Nhật để tiếp nhận SV sang thực tập, làm việc tại Nhật.
Tính đến tháng 6/2021, có hơn 1.100 SV các khối ngành thông thạo ngoại ngữ của trường đã được các DN nước ngoài tiếp nhận làm việc với mức lương thực tập nghề nghiệp trung bình là 1.500 USD/tháng và 2.200-2.500 USD/tháng đối với SV đã tốt nghiệp. Đây cũng là nguồn lực được kỳ vọng tiếp thu kỹ năng, kỹ thuật, thái độ tác phong làm việc tại các nước tiên tiến, sau đó trở về đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của doanh nghiệp và địa phương trong 5-10 năm tới.
Nằm trong lộ trình đào tạo nhân lực phục vụ chiến lược phát triển kinh tế nông dân nông thôn vùng Tây Nguyên, Đại học Đông Á đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt chủ trương thành lập Phân hiệu Đại học Đông Á tại tỉnh Đắk Lắk.
Phân hiệu dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ năm 2022 với các ngành đào tạo chủ lực như Nông nghiệp Công nghệ cao, Công nghệ thực phẩm, Du lịch, Công nghệ thông tin, Quản trị Kinh doanh, Ngoại ngữ,…
|
Báo Tiền phong: Đại học Đông Á đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng Tây Nguyên