Trường Đại học Đông Á: Dấu ấn hợp tác quốc tế

“Trường Đại học (ĐH) Đông Á đang đi đầu trong hội nhập quốc tế, tạo ra kiểu mẫu của một trường ĐH tư thục, đóng góp vào sự phát triển của khu vực” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đánh giá

 

“Trường Đại học (ĐH) Đông Á đang đi đầu trong hội nhập quốc tế, tạo ra kiểu mẫu của một trường ĐH tư thục, đóng góp vào sự phát triển của khu vực” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đánh giá.

Khi tìm kiếm cho mình một địa chỉ để trao gửi niềm tin khai mở tương lai, các bạn trẻ hẳn cảm thấy ấn tượng trước câu slogan “Tạo dựng con đường thành công” của một cơ sở giáo dục - đào tạo. Đó chính là Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng - UDA).

Đánh thức tiềm lực

Chuyện về UDA xin bắt đầu bằng sự kiện mới đây nhất: Mở Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk.

Được phôi thai từ khát vọng của ban lãnh đạo nhà trường về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk ra đời nhằm minh chứng cho sứ mệnh giúp người học đầu tư kiến thức phát triển năng lực bản thân, chuyên môn nghề nghiệp để tạo dựng con đường thành công và đóng góp vào sự phát triển bền vững cho cộng đồng xã hội, ở vùng đất bazan Tây Nguyên nhiều tiềm năng. Tháng 11-2022, Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk chính thức khánh thành và đi vào hoạt động, đúng vào thời điểm Tây Nguyên cũng như TP Buôn Ma Thuột vừa được Trung ương chuẩn y cho thí điểm cơ chế chính sách đặc thù.

Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk (số 40 Phạm Hùng, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) có diện tích mặt bằng 10 ha, gồm nhiều phòng học lý thuyết, phòng thực hành chuyên môn, cùng các tiện ích như thư viện, hội trường lớn, khu thể thao đa năng và đầy đủ các phòng chức năng giúp sinh viên (SV) có điều kiện học tập, thực hành, nghiên cứu, vui chơi giải trí.

Với cơ chế hoạt động tương đương cơ sở chính, Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk có “không gian riêng” nhằm tạo bản sắc đặc thù, gắn với đời sống khu vực cũng như hội nhập thế giới. Thời gian đầu, Phân hiệu sẽ tập trung vào ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dinh dưỡng, song hành là các ngành kinh tế, logistics, du lịch dịch vụ, nhóm ngành kỹ thuật, sức khỏe và nhóm ngành ngôn ngữ. Theo định hướng, nhà trường sẽ mở chương trình đào tạo mỏ, khoáng sản và luyện kim...

Chia sẻ vào thời khắc Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk ra đời, TS Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng UDA - nhấn mạnh: “ĐH, với tinh thần rộng mở và khoáng đạt, sẽ và phải đóng góp cho cộng đồng, đóng góp vào việc nâng cao năng lực làm việc của cả vùng. Tuổi thọ của đời người là có hạn nhưng với ĐH gần như là vô hạn. Trên hành trình đó, những gì bắt đầu hôm nay, mai sau có thể trở thành khổng lồ”. Chính vì thế, sự ra đời của Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk đóng một dấu son lên hành trình khai mở để đóng góp cái hữu hạn của đời người vào sự vô hạn của tri thức, đánh thức tiềm lực của đất và người khu vực còn rất nhiều dư địa phát triển này.

Cũng tại sự kiện nói trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao năng lực và tiềm lực của UDA, hệ thống cơ sở vật chất, không gian học tập, tổng quan kiến trúc và hệ thống hạ tầng khang trang, hiện đại của Phân hiệu; hệ sinh thái nhà trường - SV - doanh nghiệp được kết nối chặt chẽ từ sớm, tạo mạng lưới đa dạng việc làm tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế địa phương và hội nhập quốc tế cho SV.

Nhà trường theo đuổi xuyên suốt giá trị: Học để làm người trách nhiệm - Học để phát triển bản thân - Học để làm đúng cách - Học để thành công và đóng góp vào cộng đồng xã hội.

TS NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO, Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á

Chiến lược bài bản, khác biệt

Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk nằm trong mục tiêu, tầm nhìn chung của toàn UDA trong mục tiêu trở thành trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 trở thành một trường ĐH uy tín ở Việt Nam và châu Á về giá trị khoa học và đào tạo, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng trong khu vực.

Nhà trường minh định con đường đào tạo tri thức toàn diện, phẩm cách và bản lĩnh con người thời đại mới theo phương châm thực học thực nghiệp, rèn luyện chuyên môn gắn liền hoàn thiện kỹ năng, ngoại ngữ, chú trọng năng lực thực hành, ứng dụng, hội nhập và phụng sự cộng đồng.

Quan trọng nữa là, nhà trường rất quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Trường hiện có 4 viện khoa học, Tạp chí Khoa học Công nghệ, Không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang hoạt động hiệu quả. Năm 2022, UDA có 24 bài báo quốc tế ISI và 14 bài hội nghị quốc tế Scopus tiêu biểu được xuất bản, đồng thời đề xuất và triển khai 23 đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước trong thời gian gần đây.

Kỳ vọng xây dựng và định vị giá trị, chất lượng SV UDA đạt tầm quốc tế, Ban Giám hiệu nhà trường cho hay đây là chiến lược đã bắt đầu từ nhiều năm về trước, bằng hướng đi độc đáo, khác biệt: Hợp tác chiến lược với các đối tác nước ngoài có uy tín, nhằm trang bị cho SV ưu thế về kỹ năng, chuyên môn, thái độ chuyên nghiệp và ngoại ngữ tốt để làm việc ngay tại các nước phát triển… Nhờ vậy, UDA hiện là đối tác tin cậy của hơn 300 đơn vị trong nước và hơn 130 các địa phương, doanh nghiệp ở Nhật Bản, Đức, Đài Loan (Trung Quốc). Nhà trường còn liên kết hợp tác với hơn 20 trường ĐH, viện nghiên cứu tại các nước và vùng lãnh thổ: Mỹ, Canada, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia…, qua đó mang lại nhiều sự lựa chọn cho SV Việt Nam với ước mơ trở thành công dân toàn cầu chuyên nghiệp. Đáng chú ý, trong năm 2022, UDA trở thành trường ĐH đầu tiên đặt văn phòng đại diện tại Nhật Bản, tổ chức lễ tốt nghiệp đầu tiên cho SV tại Nhật ở lại làm việc tại các tập đoàn của quốc gia này. Cùng với đó, ký kết với Tập đoàn Marriot và Hiệp hội Bonifatius (Đức) để đưa hơn 300 SV sang Nhật làm việc.

“Những năm qua, UDA đã có hơn 500 SV làm việc, học tập tại Nhật; sắp tới là Úc, Đức và nhiều quốc gia khác, được các đối tác đánh giá cao và tiếp nhận làm việc sau khi tốt nghiệp theo cơ chế kỹ sư và cử nhân” - TS Nguyễn Thị Anh Đào không giấu niềm tự hào.

Ghi nhận những nỗ lực đó, mới đây, TP Đà Nẵng đã trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho ĐH Đông Á vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của Khối thi đua các trường ĐH TP Đà Nẵng năm học 2021-2022.

Đa ngành nghề, tỉ lệ có việc làm cao

UDA đặt campus chính tại 33 Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Đà Nẵng), phân hiệu tại Đắk Lắk cùng 4 cơ sở đào tạo tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai; 5 cơ sở thực hành gồm hệ thống trường liên cấp Olympia Sakura Đà Nẵng; 3 xưởng thực hành công nghệ Ôtô, Công nghệ thực phẩm - Dược và Xây dựng; Skill labs điều dưỡng chuẩn Nhật, khu thực hành bếp chuẩn Úc và 53 phòng thí nghiệm thực hành chuyên môn.

Trường đào tạo các nhóm ngành Sức khỏe, Kinh doanh - Quản lý, Du lịch - Khách sạn, Tài chính, Ngôn ngữ - Văn hóa, Máy tính - Công nghệ thông tin, Công nghệ - Kỹ thuật, Pháp luật, Sư phạm. Trong đó, 15 ngành đang hợp tác quốc tế hiệu quả, đưa SV sang Nhật làm việc như Điều dưỡng, Công nghệ Ôtô, Xây dựng, Ngôn ngữ Nhật, Du lịch, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm... Theo thống kê, gần 90% SV tốt nghiệp có được việc làm.

Hải Định - Báo Xuân Người lao động 2023

Từ khóa